Kinh nghiệm viết CV dành cho Software developer

Bài này mình viết dành riêng cho các Software Developer, chia sẻ về những thứ mình đã rút ra trong quá trình nhận và đọc CV của các bạn. Hy vọng rằng sẽ giúp ích cho các bạn để hoàn thiện CV của mình hơn.

Trước tiên, hãy nghe các chuyên gia nói gì về một bản CV?

  • Jane Heifetz – một chuyên gia và cùng là nhà sáng lập của công ty chuyên tư vấn về hồ sơ lý lịch “Right Resumes” nói rằng: “Tạo ra một bản lý lịch hoàn hảo là một việc chẳng hề dễ dàng và rất mất thời gian”.
  • John Lees – một nhà tư vấn chiến lược nghề nghiệp :“Nói cho cùng thì CV không đơn giản là bản trích ngang thông tin của bạn, nó là một bài marketing cho chính bản thân bạn. Còn nhà tuyển dụng là khách hàng, và bạn chính là sản phẩm. Bạn cần phải cho họ thấy lý do để họ mua bạn”.

Điều này thì khỏi phải bàn rồi đúng không? Khi viết CV, điều quan trọng không phải khoe thứ hay ho ra hết, bởi không phải Developer nào cũng có profile hoành tráng, kinh nghiệm khủng hay nhiều dự án lớn nhỏ.  Quan trọng là bạn biết chọn lọc thông tin, phát triển thông tin đó và truyền tải đúng cách tới người đọc là nhà tuyển dụng và thể hiện được sự khác biệt. CV sẽ là yếu tố định bạn có cơ hội gặp được nhà tuyển dụng hay không.

1. CV nên dài bao nhiêu là đủ?

Cá nhân mình thì mình khuyên các bạn nên viết CV độ dài vừa đủ một trang A4, hoặc nếu dài hơn thì cũng không nên quá 2 trang A4. Nhưng như thế không có nghĩa là CV của bạn quá ngắn, phần nội dung không hết 1 trang A4 nhé, như vậy thì hơi ít thông tin đó.

Sở dĩ vì thông thường nhà tuyển dụng thường dành ra 30s đầu để lướt qua CV của bạn để nắm được các keyword và xem qua thông tin trên CV của bạn. Như vậy, để nhà tuyển dụng nắm được các thông tin quan trọng nhất trong 30s đầu thì độ dài CV nên ngắn gọn, chắt lọc và đầy đủ.

2. Nên viết CV bằng tiếng Anh hay tiếng Việt?

Sau một thời gian đọc CV của các bạn Dev nộp vào Hamsa thì phần lớn mọi người viết bằng tiếng Anh vì dường như các Software developer đều cần biết tiếng Anh dù ít dù nhiều, vậy thì tại sao chúng ta không viết CV bằng tiếng Anh nhỉ, hơn nữa, các từ ngữ chuyên ngành của IT đều bằng tiếng Anh, rất khó để dịch sang tiếng Việt, vì vậy, viết tiếng Anh sẽ là lựa chọn tối ưu hơn. Ngoài ra, bạn thấy đấy, tài liệu chuyên ngành phần lớn đều được viết bằng tiếng Anh đúng không? Khi một CV của Software developer được viết bằng tiếng Anh sẽ thể hiện được phần nào đó level tiếng Anh của bạn, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao khi ứng viên biết tiếng Anh, đồng nghĩa với việc khả năng tự đọc hiểu tài liệu tự học của họ khá hơn là khi bạn không biết tiếng Anh.

3. Nội dung CV như thế nào là đủ?

Phần này mình không có định nghĩa như thế nào là chuẩn, mỗi bạn sẽ có những kinh nghiệm, những dự án, những sản phẩm những kỹ năng khác nhau. Nhưng dù thông tin của mỗi người đến đâu thì cũng cần đảm bảo cho mình nội dung trong CV của bạn có các yếu tố sau:

  • Thông tin cá nhân (Personal Information)
  • Mục tiêu nghề nghiệp (Career Objective/Goals)
  • Học vấn (Education)
  • Kinh nghiệm làm việc (Professional Experience)
  • Dự án cá nhân (Personal Projects)
  • Kỹ năng chuyên môn (Technical Skills)
  • Sở thích / Hoạt động xã hội / Các giải thưởng (Interests/Activities/Awards)

3.1. Thông tin cá nhân.

Các thông tin cần có:

  • Họ tên
  • Vị trí ứng tuyển
  • Ngày tháng năm sinh
  • SĐT
  • Địa chỉ
  • Email
  • URLs

Các bạn chú ý nhé, phần thông tin này tuy đơn giản nhưng phải thật chuẩn nhé, nó là phương tiện để nhà tuyển dụng liên lạc với bạn. 

Phần URLs bạn có thể để Skype, Facebook, Linkedin, Blog/web cá nhân, gitHub hay Stackoverflow đều được, sẽ giúp bạn show được nhiều thông tin hơn mà không cần liệt kê quá nhiều trong CV.

Tips: 

Cái này rất nhỏ thôi nhưng quan trọng lắm đấy: Các bạn nên để ảnh của mình vào phần này nhé. Sẽ được ghi điểm hơn trong mắt nhà tuyển dụng đấy.

3.2. Mục tiêu nghề nghiệp.

Bạn nên chia ra thành mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn.

Với mục tiêu ngắn hạn thì nên SMART được thì càng tốt. Cụ thể là có mốc thời gian, cụ thể cho việc hoàn thành mục tiêu mà bạn muốn đạt được.

Ví dụ ngắn hạn như: Thi được chứng chỉ MCITP (Microsoft Certified IT Professional) trong vòng 6 tháng tới.

Với mục tiêu dài hạn thì rộng hơn, nhưng nếu có thể thì cũng cụ thể bạn nhé, thay vì chung chung như làm việc trong môi trường năng động, có thể học hỏi được nhiều từ đồng nghiệp.

Quan trọng hơn nữa là bạn cần viết mục tiêu đi đúng hướng với mục tiêu của công ty.

Ví dụ: Một số library/program language/CMS mà công ty không sử dụng nhưng bạn liệt kê vào, trong khi những library/program language/CMS công ty sử dụng mà bạn không có mà không định hướng phát triển thì mục tiêu nghề nghiệp của bạn không phù hợp rồi.

3.3. Học vấn.

Tóm tắt ngắn gọn về quá trình học tập của bạn bao gồm thời điểm nhập học, tốt nghiệp, tên trường, chuyên ngành và thông tin mô tả thêm như điểm trung bình (GPA).

Nên:

  • Một số khoá học nâng cao kỹ năng liên quan đến Software như: Data Structures & Algorithms, Operating Systems, Networking,…

Không nên:

– Đưa quá trình học tập từ cấp 1, cấp 2, cấp 3.

3.4. Kinh nghiệm làm việc.

  • Bạn nên liệt kê theo thứ tự thời gian, công việc làm gần đây nhất nêu trước các công việc trước đó. Đây là cách tốt nhất để nhà tuyển dụng thấy được những kinh nghiệm gần đây nhất của bạn. Theo cá nhân mình khi đọc thì phần kinh nghiệm gần nhất sẽ được quan tâm nhiều hơn.
  • Nhớ liệt kê đầy đủ: tên vị trí, tên công ty, khoảng thời gian bạn làm việc, các task của bạn và những kỹ năng, kiến thức đạt được.

Tips:

  • Chọn lọc các công việc ghi trong CV, nên có liên quan đến Software. Nếu bạn đã từng làm Tester mà muốn chuyển sang làm Dev hay ngược lại hoặc từng làm Frontend mà muốn chuyển sang làm Backend hay Fullstack hay ngược lại thì các công việc trước đây đó bạn nên ghi lại đầy đủ. Chỉ trừ khi nếu trước đây bạn làm Kế toán, Telesales, Marketing hay lĩnh vực gì đó không liên quan đến Software thì không nên đưa vào nhé.
  • Nội dung công việc lưu ý bạn nên liệt kê thành các tasks và liệt kê những task chính thay vì diễn giải dài dòng, và tất nhiên không nên viết như một câu, đoạn văn. Hãy bắt đầu bằng những động từ, mỗi task là 1 ý, sử dụng gạch đầu dòng.

3.5. Dự án cá nhân.

Một dự án cần có các thông tin gì?

  • Mô tả dự án
  • Vai trò
  • Tech stack
  • Code

Đừng quên đưa link GitHub cho từng dự án nhé. Link dự án khá quan trọng, nó giúp CV của bạn trở nên đáng tin hơn và giúp nhà tuyển dụng hiểu được nhiều hơn về bạn. Không chỉ các HR đọc CV của bạn, mà sau vòng CV các Team leader hay các Manager sẽ tìm hiểu CV của bạn kỹ càng hơn, qua đó nắm được cách code và tổ chức code của bạn như thế nào, có code theo tiêu chuẩn thông dụng nào không, bạn sử dụng quen thuộc với tools nào, có code clean không và bạn đóng vai trò gì trong các projects…

3.6. Kỹ năng chuyên môn.

Bạn cần liệt kê các kỹ năng chuyên môn gì: ngôn ngữ lập trình, frameworks, libraries, tools.

Hãy liệt kê theo mức độ thành thạo nhé!

3.7. Sở thích / Hoạt động xã hội / Các giải thưởng

Đối với phẩm chất, tính cách: Tại thời điểm này, bạn phân tích những phẩm chất/tính cách của bạn hiện tại đang có có thể giúp ích gì cho công việc sắp ứng tuyển. Nếu bạn không có kinh nghiệm, “mong muốn học hỏi” hoặc “học hỏi nhanh” sẽ  là một trong những phẩm chất tốt mà bạn nên cho vào CV. Có thể nó sẽ không được các nhà tuyển dụng coi trọng nhất là những trường hợp tuyển ứng viên có nhiều kinh nghiệm. 

Ngoài ra bạn có thể đưa hoặc không (phần này không bắt buộc) những sở thích, giải thưởng, hoạt động mà bạn đã tham gia.

Và cuối cùng sau khi chọn lọc và hoàn tất thông tin cần thiết cho CV, hãy làm mượt nó bằng cách kiểm tra thật chi tiết chính tả, format, dấu câu,… những yếu tố trên rất nhỏ nhưng lại là kẻ thu rất to của bạn khi nhà tuyển dụng bắt gặp được các lỗi đó trong CV của bạn.

Hy vọng các bạn cảm thấy hữu ích và rút ra được cho mình những tips nhỏ để hoàn thiện bản CV của mình hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *