Hiện nay, trong các tổ chức, doanh nghiệp, rất nhiều nơi đã thực hiện các chiến thuật hướng nơi làm việc đến quy trình “5S” và phương pháp thực hành chúng nhằm nỗ lực không ngừng cải tiến hoặc bổ sung vào các quy trình sản xuất tinh gọn. 5S được thiết kế để giảm lãng phí đồng thời tối ưu hóa năng suất thông qua việc duy trì nơi làm việc có trật tự và sử dụng các dấu hiệu trực quan để đạt được kết quả hoạt động nhất quán hơn.
5S được phát triển và nhân rộng phổ biến từ khi áp dụng thành công trong nhiều doanh nghiệp tại Nhật Bản. Việc hiểu đúng, có cách tiếp cận thích hợp và có kế hoạch triển khai rõ ràng, nhất quán vẫn là rào cản khiến cho chương trình 5S tại nhiều tổ chức doanh nghiệp không có được thành công như mong đợi.
Vậy cụ thể, 5S là gì? Quá trình triển khai 5S gồm các bước nào? Bí quyết gì để 5S được áp dụng thành công?
Hãy đọc bài viết bên dưới của Hamsa và xem Hamsa đã làm gì để xây dựng 5S tại nơi làm việc nhé!
1. Khái niệm về 5S?
5S là phương pháp quản lý (sản xuất) theo phương pháp Nhật Bản, viết tắt của 5 từ Seiri, Seiton, Seiso, Seiketsu, Shitsuke và được Việt hóa không hoàn toàn chính xác ra thành Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng.
Hiện nay 5S được ứng dụng tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhằm mục đích chính là loại bỏ các lãng phí trong sản xuất, giảm thiểu các hoạt động không gia tăng giá trị, cung cấp một môi trường làm việc với tinh thần cải tiến liên tục, cải thiện tình trạng an toàn và chất lượng.
Ngoài ra, trong các tổ chức công nghệ, 5S còn được ứng dụng nhằm mục đích sắp xếp và làm tinh gọn lại bộ nhớ, kho thông tin trên các phần mềm công nghệ.
Tóm lại, 5S không phải là một công cụ (tool) quản lý mà là một phương pháp làm (method) bắt nguồn từ thực tế hoạt động sản xuất trong các nhà máy của Nhật Bản nhằm tạo ra một môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, thuận tiện, giảm thiểu lãng phí, đảm bảo an toàn, từ đó nâng cao năng suất và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
2. Tại sao phải áp dụng 5S?
Trong các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức có nhiều thành viên, việc giữ được môi trường bên ngoài và trong chính công việc được sạch sẽ, ngăn nắp là điều không dễ. Chúng ta cũng không khó để nhận ra một tổ chức, công ty quản lý yếu kém bởi những đặc trưng được nêu sau đây:
- Chứa rất nhiều những thứ không cần thiết và chúng không được sắp xếp gọn gàng. Dẫn đến việc rất khó để nhân viên tìm các đồ vật cần thiết cho công việc.
- Quy trình làm việc rườm rà, kéo dài do việc di chuyển các đồ vật hoặc lấy chúng đòi hỏi phải đi lại nhiều, quãng đường xa.
- Thiết bị văn phòng, trang thiết bị bám bẩn, diện tích bỏ không, tỷ lệ máy hỏng cao.
- Sàn nhà, tường, cửa sổ, thiết bị chiếu sáng bám bụi, thiếu ánh sáng.
- Nơi làm việc không an toàn và nhiều tai nạn, sự cố xảy ra.
- Những nơi công cộng (phòng ăn, tủ đồ đạc, nhà vệ sinh…) không sạch sẽ.
Triển khai 5S có kết quả sẽ góp phần giải quyết các yếu kém trên.
3. Hướng dẫn triển khai 5S
3.1. Seri (Sàng lọc) – Loại bỏ những cái không cần thiết
3.1.1. Nguyên tắc thực hiện
Là xem xét, phân loại, chọn lựa và loại bỏ những thứ không cần thiết tại nơi làm việc. Mọi thứ (vật dụng, thiết bị, nguyên vật liệu, đồ dùng hỏng …) không/chưa liên quan, không/chưa cần thiết cho hoạt động tại một khu vực sẽ phải được tách biệt ra khỏi những thứ cần thiết sau đó loại bỏ hay đem ra khỏi nơi sản xuất. Chỉ có đồ vật cần thiết mới để tại nơi làm việc. S1 thường được tiến hành theo tần suất định kì.
Bởi vậy mục đích của việc này là khiến cho mọi thứ được gọn gàng ngăn nắp và “Tinh gọn”. Công việc lớn nhất trong hoạt động Seiri là phân biệt được đâu là những thứ cần thiết và đâu là những thứ không cần thiết tại nơi làm việc của bạn. Bạn có thể thấy rất nhiều thứ tại nơi làm việc của mình (gemba). Nhưng khi xem xét kỹ lại bạn sẽ thấy rằng chỉ một số ít trong chúng được bạn sử dụng hàng ngày, còn lại hầu hết là những thứ bạn ít khi dùng đến, còn lâu mới dùng đến hoặc chẳng bao giờ dùng đến.
3.1.2. Quy trình thực hiện
Có 3 bước thực hành Seri (Sàng lọc):
- Hỏi “Cái này có cần không?” đối với một vật bất kì. Rồi phân ra 2 loại: Cái cần dùng và cái không dùng.
- Hỏi “Dùng bao nhiêu trong bao lâu?” để xác định số lượng cần dùng và định kì cần phân loại.
- Căn cứ kết quả của 2 bước trên mà “Lưu kho phần chưa cần dùng đến”, “Bỏ cái không cần đến”, còn cái dùng đến thì sắp xếp lại (thực hành S2).
Trong việc xử lí các file công việc lưu trữ, bạn có thể dùng các nhãn màu khác nhau để phân loại. Ví dụ, có 3 màu thường được dùng là xanh, đỏ, vàng. Trong đó, nhãn đỏ là vứt ngay, nhãn xanh là đưa vào sử dụng, dùng hoặc tiến hành công việc, nhãn vàng là lưu trữ và xử lí trong vòng 1 tháng.
Một gợi ý nữa đó là đối với thư điện tử. Để hòm thư được gọn gàng, bạn có thể phân loại email vào bốn nhóm:
- Những email cần xử lí ngay lập tức (từ văn phòng, đồng nghiệp, hóa đơn, văn bản pháp lí và tương tự).
- Các email quan trọng có thể làm sau (bạn có thể đưa vào Kanban để chờ xử lí, có thể đặt deadline).
- Không quan trọng và có thể chờ (Đưa vào Kanban).
- Những mục thư không quan trọng, bỏ đi.
Tương tự, tại các xưởng sản xuất, công ty phải sử dụng nhiều đồ vật, bạn có thể áp dụng thẻ đỏ, xanh, vàng như trên. Ví dụ, thẻ đỏ sẽ được treo tại những đồ vật mà công ty bạn không sử dụng trong vòng 30 ngày tới (tiêu chuẩn thông thường), và trong vòng 1 tuần tới (tiêu chuẩn cao).
Phương pháp này được áp dụng không chỉ trong những cơ sở sản xuất, nhiều công cụ, vật dụng, mà còn đối với cả thông tin, kiến thức. Việc tinh gọn chúng khiến não bộ bạn có thể thảnh thơi, đỡ quên và tiết kiệm được thời gian khi tìm kiếm. Thói quen tưởng chừng như đơn giản này lại rất có giá trị đối với những ai áp dụng thường xuyên nó.
3.1.3. Áp dụng tại Hamsa
Một điều rất thú vị ở Hamsa, đó là việc các thành viên sẽ gom pin sau khi đã sử dụng tại một chiếc hộp đựng, sau đó sẽ đem đi đổi cây hoặc mang đến các địa điểm thu gom pin tại Hà Nội. Vừa giúp môi trường sạch sẽ, lại mang tính bảo vệ môi trường.
Ngoài pin, từ những chiếc túi bóng nylon nhỏ đến to, đều được gom lại và cất trong tủ ngoài Pantry, nhằm tái sử dụng chúng đối với những thành viên khác có nhu cầu.
Trong công việc, do Hamsa-ers chủ yếu là dân IT, nên việc sử dụng và lưu trữ tài liệu hầu hết trên Drive và một số trang khác. Việc sàng lọc những tài liệu không sử dụng trong vòng 30 ngày tới là điều thường xuyên được thực hiện.
Điều này khiến chúng mình rất dễ dàng trong việc truy xuất dữ liệu làm việc.
3.2 Seiton (Sắp xếp) – Đặt mọi thứ đúng chỗ cho thuận lợi sử dụng
3.2.1. Nguyên tắc thực hiện
Sau khi thực hiện Seri, sẽ chỉ còn lại những thứ cần thiết. Nó sẽ trở nên vô dụng nếu không được sắp xếp hợp lí.
Sắp xếp là hoạt động bố trí các vật dụng làm việc, bán thành phẩm, nguyên vật liệu, hàng hóa… tại những vị trí hợp lý sao cho dễ nhận biết, dễ lấy, dễ trả lại. Nguyên tắc chung của S2 là bất kì vật dụng cần thiết nào cũng có vị trí quy định riêng và kèm theo dấu hiệu nhận biết rõ ràng. S2 là hoạt động cần được tuân thủ triệt để.
Rõ ràng, S2 khó hơn S1 và có 3 tiêu chuẩn.
- Tiêu chuẩn số 1, cũng là tiêu chuẩn quan trọng, đó là “An toàn”. Đối với thông tin, tiêu chuẩn này nghĩa là nó sẽ không bị mất đi, hoặc không bị rò rỉ những thông tin mật.
- Tiêu chuẩn số hai là “Thuận tiện”, tức là lấy ra cất vào dễ dàng khi cần. Ví dụ, trong ngành sản xuất sản phẩm công nghệ, mục đích của tiêu chuẩn này nhằm hướng đến việc cho ra đời các thiết kế mà có tính áp dụng cao, đặc biệt, phải có “ích”. Tức là không chỉ có được cái đẹp mà các chức năng đó phải sử dụng tốt và phù hợp với mọi lứa tuổi.
- Tiêu chuẩn số 3 là “Thẩm mĩ”, tức là nói đến cái đẹp. Đẹp ở đây có thể là đẹp về hình thức, hoặc đẹp về ý nghĩa. Mục tiêu khi áp dụng S2 vào kho thông tin vẫn phải đạt được tiêu chuẩn quan trọng nhất: thuận tiện. Đó là thuận tiện khi đem ra sử dụng, thuận tiện cho việc chỉnh sửa.
3.2.2. Quy trình thực hiện
Đối với các xưởng sản xuất, công ty vận chuyển hay những tổ chức cần sử dụng nhiều vật dụng, sản phẩm, quy trình gồm 4 bước:
- Quét dọn trước khi sắp xếp
- Thế kế sơ đồ lưới phù hợp cho nơi làm việc. Đổ màu các nơi quan trọng, cần tiến hành sắp xếp trước.
- Tiến hành sơn lại sàn nhà. Nếu khu vực nào cần sửa chữa, hãy tiến hành ngay. Đồng thời giảm tối đa các đường cong, gấp khúc di chuyển.
- Sắp xếp lại đồ vật.
Hãy thay đổi cách thức lưu trữ của bạn từ hệ thống “đóng” sang hệ thống “mở”. Khi các dụng cụ của bạn được lưu trữ trong một chiếc hộp hay một ngăn kéo, bạn sẽ không nhìn thấy chúng (hệ thống đóng). Còn khi bạn lưu trữ các dụng cụ đó sao cho dễ thấy nhất, trực quan nhất và dễ dàng nhận diện, tiếp cận chúng thì đó là một hệ thống mở.
3.2.3. Áp dụng tại Hamsa
S2 rất dễ nhận ra khi bạn mới bước vào Hamsa. Bởi tại sảnh ngoài, Hamsa có kê một chiếc tủ đựng giày dép và phân định rõ ràng 2 khu vực: cho Hamsaers và cho khách. Hai khu vực được đánh dấu bằng chữ.
Ngoài ra, ngay phía dưới tủ giày là nơi Hamsa để những chiếc dép Cross dễ thương nhiều màu. Nghe anh Nguyễn Thanh Tùng (CEO) kể rằng, trước kia Hamsa chỉ để những đôi dép và khi mọi người mang chúng đi và cất, gây nên cảnh lộn xộn, không đúng thứ tự, nhìn rất rối mắt và khó chịu.
Sau đó, team 5Star đã nhận thấy điểm cần cải tiến, và cho ra đời những dấu chân trùng màu với những đôi dép đó. Điều này đảm bảo tiêu chuẩn vừa thẩm mĩ, lại vừa có tính ứng dụng cao, khiến mọi thứ trở nên ngắn nắp hơn bởi mọi người đã tự ý thức được rằng mình cần để đúng đôi dép lên đôi bàn chân đó.
Tương tự, Hamsa cũng mua một chiếc tủ đựng đồ cho thành viên. Điều này khiến văn phòng trở nên thông thoáng hơn bởi mọi người sẽ cất đồ của họ tại ngăn tủ của mình.
Còn rất nhiều nơi được Hamsaers sắp xếp gọn gàng, dễ thấy, dễ lấy, bạn có thể xem tại các hình ảnh bên dưới.
3.3. Seiso (Sạch sẽ) – Làm vệ sinh sạch sẽ nơi làm việc
3.3.1. Nguyên tắc thực hiện
Seiso có nghĩa là vệ sinh và giữ gìn cho máy móc và môi trường làm việc được sạch sẽ, tức là dọn dẹp những thứ không cần thiết.
Đối với thông tin, đó là việc dọn dẹp sạch sẽ những thông tin đã quá cũ, hết giá trị hoặc thông tin không chính xác. Xóa bớt đi hoặc gộp lại những thông tin để việc tìm kiếm diễn ra suôn sẻ hơn.
3.3.2. Quy trình thực hiện
Để triển khai hiệu quả seiso, bạn cần quan tâm đến những nội dung sau:
- Ai là người chịu trách nhiệm thực hiện seiso
- Xác định đối tượng của seiso?
- Xác định phương pháp làm sạch
- Chuẩn bị dụng cụ cần thiết
- Thực hiện việc làm sạch
Bạn cũng cần đưa ra tiêu chuẩn để xác định rõ khi nào công việc seiso được coi là đạt. Việc này đôi khi không dễ dàng vì tiêu chí thế nào gọi là sạch cũng gây nhiều tranh cãi. Để có được tiêu chuẩn sạch đó, bạn nên thảo luận với tất cả mọi người trong nhóm của mình. Một khi đã thống nhất tiêu chuẩn thì mọi người sẽ tuân theo và không có sự chênh lệch giữa các bên.
3.3.3. Áp dụng tại Hamsa
Định kì hàng tuần, Hamsa sẽ có người phụ trách đến hút bụi và lau sàn. Tuy nhiên, các thành viên luôn tự ý thức nhằm giữ gìn môi trường chung sạch sẽ bằng các việc nhỏ như để rác đúng chỗ; dọn dẹp bàn làm việc sau khi tan làm; hay như việc rửa cốc, chén, bát, đũa sau khi sử dụng.
3.4. Seiketsu (Săn sóc) – Duy trì sự vệ sinh sạch sẽ ở mức độ cao
3.4.1. Nguyên tắc thực hiện
SEIKETSU (Săn sóc) được hiểu là việc duy trì định kì và chuẩn hóa 3S đầu tiên (Seri, Seiton và Seiso) một cách có hệ thống. Nếu bạn chỉ thực hiện quá trình seiri một lần, thực hiện 1 vài cải tiến, nhưng không nỗ lực duy trì hoạt động đó thì mọi thứ sẽ sớm trở lại vạch xuất phát ban đầu. Trong quy trình 5S rất dễ gặp phải tình trạng làm việc bạn đầu họ rất hào hứng sau đó lại bị trì trệ, điều cần làm nhất bây giờ là bạn cần phải Săn sóc (Seiketsu) để việc thực hiện đảm bảo hiệu quả công việc trong mô hình này.
Thực hiện 1 lần thì dễ nhưng duy trì hoạt động đó thường xuyên, hàng ngày thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Vì vậy, cần duy trì nó để trở thành thói quen định kì.
Đối với thông tin, Seiketsu là tiêu chuẩn hóa hệ thống của mình. Bạn hãy thiết lập một hệ thống nhất quán khi lưu thông tin nào vào đâu. Nếu là thông tin chia sẻ với nhóm, thì cần thiết lập quy ước lưu trữ và xử lí thông tin để đảm bảo mọi người cùng truy xuất thuận lợi, biết lấy cái nào ở đâu, khi nào cập nhật và khi nào dọn dẹp.
3.4.2. Quy trình thực hiện
Để thực hiện seiketsu, công ty nên xây dựng thành các tài liệu như sau:
- Chính sách 5S của công ty
- Mục tiêu 5S của công ty và của từng bộ phận (dài hạn và ngắn hạn)
- Kế hoạch thực hiện 5S để hiện thực hóa các mục tiêu 5S, Sơ đồ tổ chức theo 5S
- Sơ đồ phân công trách nhiệm theo từng khu vực
- Các tài liệu đào tạo về 5S
- Các tài liệu quảng bá về 5S
- Các bảng tin, bản tin 5S
- Cơ chế khen thưởng 5S
Khi đưa ra cơ chế thực hiện 5S, đừng nên ép buộc và giao công việc cho ai cả. Hãy để các thành viên tự quyết định, có thế mới huy động được sự tham gia của mọi người.
3.4.3. Áp dụng tại Hamsa
Ở Hamsa, mỗi team đều có một folder được share cho tất cả mọi thành viên, chứa các file nhỏ nội dung và thư mục một cách rất gọn gàng. Những thông tin thuộc thư mục gì, đều được bỏ vào thư mục đó. Việc dọn dẹp các file thừa thãi, trùng lặp, quá hạn được Hamsaers làm sạch và phân bổ lại thường xuyên.
Điều này khiến cho thành viên mới khi truy cập vào đều có thể dễ dàng truy xuất, nắm bắt được thông tin chung và cách sắp xếp thông tin trong folder đó thường xuyên.
3.5. Shitsuke (Sẵn sàng) – Thực hiện một cách tự giác
3.5.1. Nguyên tắc thực hiện
Sẵn sàng (S5): Là tạo thói quen tự giác tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại nơi làm việc. Sẵn sàng được thể hiện ở ý thức tự giác của người lao động đối với hoạt động 5S. Các thành viên đều nhận thức rõ tầm quan trọng của 5S, tự giác và chủ động kết hợp nhuần nhuyễn các chuẩn mực 5S với công việc để đem lại năng suất công việc cá nhân và năng suất chung của Công ty cao hơn.
Đây là mức độ cao nhất của 5S, tức là sau khi thực hành lâu bền các quy tắc do bạn đặt ra, thì bạn biến quy tắc thành quy trình, định kì xem xét và cải tiến liên tục nó.
3.5.2. Quy trình thực hiện
Để luyện tập Shitsuke, bạn hãy:
- Luôn tiếp xúc với mọi người với nụ cười thân thiện
- Luôn biết lắng nghe
- Làm việc hết mình theo tinh thần kaizen (cải tiến liên tục)
- Thể hiện tinh thần tập thể
- Luôn giữ nơi làm việc của mình sạch sẽ và gọn gàng
4. Lợi ích của quy trình 5S
Như Lean Manufacturing Tools giải thích: “Một trong những lợi ích lớn nhất của 5S là các vấn đề trong quy trình của bạn trở nên rõ ràng ngay lập tức. Nó nhanh chóng cho bạn biết chính xác nơi các vấn đề đang xảy ra bởi mọi thứ đều có trật tự, rõ ràng”.
Quy trình 5S có rất nhiều lợi ích khi được ứng dụng tại nơi làm việc, cụ thể:
- An toàn được nâng cao: khi thực hiện 5S, nơi làm việc trở nên sạch sẽ, ngăn nắp, thuận tiện và an toàn hơn. Một môi trường làm việc sạch sẽ, đặc biệt là trong một đơn vị sản xuất có thể làm giảm đáng kể số lượng thương tích của người lao động. Thông thường, việc đổ hóa chất không được giám sát sẽ làm tăng nguy cơ trượt và ngã.
- Mật độ lưu trữ lớn hơn: Việc thực hiện 5S tiêu chuẩn dẫn đến giảm đáng kể diện tích không gian cần thiết cho các hoạt động hiện có giúp giải phóng không gian để có thể sử dụng hiệu quả hơn.
- Tăng năng suất: 5S giúp loại bỏ lãng phí về vật dụng, công cụ, máy móc và thiết bị; và lần lượt là hệ thống, quy trình, thời gian và nỗ lực. Tất cả những điều này sau đó dẫn đến cải thiện năng suất, tăng thời gian hoạt động và hiệu quả cao hơn. 5S còn thúc đẩy các công ty cải thiện các nỗ lực nhằm loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất và nâng cao tổng thể lợi nhuận của công ty. Điều này được thực hiện thông qua việc cải tiến sản phẩm và dịch vụ, do đó giảm chi phí. Bởi việc cạnh tranh loại bỏ các vật dụng không cần thiết cùng với việc tối đa hóa nơi làm việc hiệu quả là đủ để giúp phát triển năng suất được cải thiện với sự lãng phí thời gian tối thiểu. Ít thời gian tìm kiếm các mục không cần thiết hơn đồng nghĩa với việc dành nhiều thời gian hơn cho công việc.
- Tinh thần của nhân viên: Sự tham gia của tất cả nhân viên vào các quy trình của 5S cũng cho phép họ đưa ra các ý kiến đóng góp và cải tiến hơn nữa đối với nơi làm việc cũng như các quy trình và bảo trì của nó. Sự tham gia này thúc đẩy tinh thần nhân viên của họ và thúc đẩy họ làm việc tốt hơn, do đó nâng cao hơn nữa năng suất ở nơi làm việc.
Ngoài ra, nó còn tạo thói quen cho mọi người trong việc thực hiện các quy trình và kỷ luật thích hợp để tránh việc thực hiện “nửa vời”.
Vì vậy, bạn có thể thấy 5S đóng một vai trò quan trọng như thế nào đối với mọi tổ chức để thúc đẩy hình ảnh và chất lượng của họ. Trong khi các nhà sản xuất ưu tiên hợp nhất và sử dụng không gian tối ưu, ngày càng nhiều công ty đang dựa vào các phương pháp luận tinh gọn như 5s để đạt được môi trường sản xuất linh hoạt. Các tổ chức tiếp tục phấn đấu để cải thiện năng suất sẽ đảm bảo cho doanh nghiệp của họ có cơ hội thành công vững chắc về lâu dài.
5. Các bí quyết để 5S thành công
- Có sự cam kết và ủng hộ liên tục của lãnh đạo cấp cao. Điều kiện tiên quyết cho sự thành công của 5S là sự hiểu biết và ủng hộ của các nhà quản lý / lãnh đạo. Nhiệm vụ của lãnh đạo cấp cao là hình thành các cơ chế để thực hiện chương trình, tập trung nguồn lực, kinh phí, thời gian, và chỉ định những người hỗ trợ thực hiện.
- Đào tạo và hướng dẫn mọi cán bộ nhân viên trong tổ chức/doanh nghiệp hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa cũng như phương pháp để thực hiện. Đồng thời, nên cung cấp cho họ những phương pháp thực hiện theo quy trình chuẩn. Từ đó mỗi phòng ban/phân xưởng có thể chủ động đưa ra kế hoạch thực hiện tại đơn vị của mình. Ngoài ra, nó còn khiến mọi người tự giác tham gia và chủ động trong các hoạt động 5S.
- Sự tham gia của tất cả mọi người rất quan trọng. Bí quyết thành công của chương trình thực hành 5S là tạo một môi trường khuyến khích mọi người tích cực tham gia, phát huy sáng kiến và duy trì mội trường làm việc sạch sẽ, thuận lợi và an toàn. Khi có sự đồng lòng về ý thức, hành động của mọi người, không cần ai phải nhắc nhở, họ sẽ tự động làm theo quy trình và hành động đó sẽ “có tâm” hơn so với việc bắt buộc phải làm.
- Lặp lại chu trình 5S với tiêu chuẩn cao hơn. Bởi chương trình 5S là sự lặp lại liên tục chu trình 5S ở mức cao hơn và được thiết kế cải tiến việc quản lý. Tức là bạn cần đặt bản thân vào trạng thái luôn mong muốn tìm ra điểm không thuận tiện để cải tiến chúng. Đừng để thị giác đánh lừa rằng hiện tại đã rất sạch sẽ và ngăn nắp và không cần làm gì thêm nữa.
Kết luận
5S là một quá trình mang lại kết quả vượt trội trong các lĩnh vực chất lượng, năng suất, chi phí, hiệu quả và an toàn. 5S cũng giúp thúc đẩy tinh thần của nhân viên và cải thiện hình ảnh của công ty.
Quy trình này bao gồm việc dọn dẹp nơi làm việc để loại bỏ các vật dụng, công cụ và máy móc lộn xộn và không sử dụng, đồng thời đặt mọi thứ quan trọng vào đúng vị trí.
Tuy nhiên, đây không phải là quá trình một lần. Việc vệ sinh liên tục và quá trình đặt đồ đạc vào đúng vị trí cần được duy trì nhất quán để có thể đạt được mục tiêu chính của 5S, tức là đạt được các mục tiêu cao hơn về cải tiến công việc.
5S tuy rất đơn giản để hiểu, nhưng để thực hiện thì rất khó. Nó đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người trong tổ chức – từ ban lãnh đạo cao nhất cho đến các nhân viên.
Nếu bạn đọc thấy hứng thú với quy trình 5S và muốn được trải nghiệm làm việc tại môi trường có yếu tố đó, hãy đến và trở thành một phần của gia đình Hamsa!