Thưởng Tết ít, có nên nghỉ?

Khi những ngày Tết cận kề, vấn đề thưởng Tết lại là vấn đề nóng, được nhiều người bàn luận và quan tâm. Người đi làm chắc hẳn hầu hết ai cũng muốn có được một khoản tiền thưởng kha khá để có một cái Tết no đủ và đầm ấm bên gia đình. Do nhu cầu sắm Tết, đi du lịch và tân trang lại bản thân để đón năm mới, mọi người đều muốn đỡ đi được phần nào gánh nặng về mặt tài chính. Bạn có hài lòng về mức thưởng Tết của mình hay không? Nếu không hài lòng thì có nên nghỉ việc?

Theo báo Thanh Niên, mức thưởng Tết Âm lịch năm 2020 cho một người cao nhất là 950 triệu đồng, thấp nhất chỉ được có 100,000 đồng.

Thống kê của Bộ lao động – Thương binh – Xã hội cho thấy, các doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động tùy theo vị trí công việc, ngành nghề kinh doanh và mức lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được trong năm 2019. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp sẽ có mức thưởng Tết cho nhân viên của mình là một tháng lương. Những doanh nghiệp có mức thưởng cao thường tập trung vào các ngành nghề như ngân hàng, kế toán kiểm toán, điện tử. Trái lại, có những ngành nghề như chế biến, thủ công, gia công chỉ có mức thưởng Tết là 100.000 đồng / người. Những doanh nghiệp làm ăn tốt, có lợi nhuận cao thì có thể thưởng thêm cho người lao động bằng hình thức khác như quà Tết, thưởng các chuyến du lịch hoặc các chế độ khác. Bên cạnh đó thì cũng có những doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn thì sẽ không có thưởng Tết.

Thưởng Tết thì có người nhiều, người ít. Vậy mức thưởng Tết của bạn là bao nhiêu? Bạn có hài lòng với mức thưởng Tết của mình không?

Nếu bạn cảm thấy mức thưởng của mình vẫn còn ít, chắc bởi trong dịp Tết, bạn cũng có thêm nhiều nhu cầu. Tết đến, ai ai cũng đều háo hức về nhà, về quê ăn Tết với người thân và gia đình. Khi chúng ta phải xa nhà để lên thành phố làm việc, kiếm sống, dịp Tết chính là dịp dù ở bất kì nơi đâu, ta cũng sẽ cố gắng về nhà để đón một cái Tết sum vầy với những người mà ta yêu thương. Cả năm đi làm vất vả và cố gắng đóng góp cho doanh nghiệp của mình, mỗi người đều mong chờ khi đến những dịp cuối năm như thế này, doanh nghiệp sẽ có một khoản thưởng xứng đáng cho công sức và những nỗ lực mà ta bỏ ra để đem lại sự phát triển và thành công hơn cho doanh nghiệp đó. Để khi về nhà, ta có thể mua bánh kẹo, những hộp mứt tết, bánh chưng, những món ăn dịp Tết cho gia đình, với mong muốn có những bữa cơm đầm ấm bên nhau, hay thậm chí là mua cây đào, cây quất đem về trang trí nhà cửa nữa. Mỗi chúng ta đến thành phố làm việc kiếm sống, cốt cũng là để đỡ đần những khó khăn, vất vả cho bố mẹ. Có người vì quê ở xa nên chỉ có thể về nhà mỗi khi dịp Tết đến. Chính vì thế, có chút quà đem về tặng bố mẹ, anh chị em trong nhà là điều chắc hẳn ai cũng mong muốn. Bên cạnh đó, những người có gia đình thì cũng mong mình có một khoản tiền thưởng để đem về đồ chơi cho con hay sắm sửa đồ dùng gia đình, giúp vợ trang trí nhà cửa. Có người thì muốn đi du xuân với bạn bè và gia đình nữa. Tết đến thì ai cũng muốn diện lên những bộ quần áo đẹp hay làm những kiểu tóc mà mình thích nữa đúng không? Có thêm tiền thưởng để sắm quần áo Tết và đi làm tóc thì còn gì bằng. Cả năm ta đi làm không có mấy thời gian chăm chút bản thân rồi! Đây chính là thời điểm thích hợp để tân trang lại nhan sắc.

Chính vì nhu cầu về quê ăn Tết, nhu cầu đi du lịch cũng như nhu cầu tân trang cho bản thân, việc mong muốn được thưởng Tết ắt cũng là tâm lý bình thường của người đi làm. Nếu bạn cảm thấy hài lòng về mức thưởng Tết của mình, thì chúc mừng bạn. Còn những người cảm thấy không hài lòng thì cũng đừng vội buồn, bởi còn nhiều điều quan trọng khác nữa bên cạnh tiền thưởng. Theo Maslow, về cơ bản, con người có 5 nhu cầu chính:

  • Nhu cầu cơ bản
  • Nhu cầu an toàn
  • Nhu cầu xã hội
  • Nhu cầu được tôn trọng
  • Nhu cầu được thể hiện bản thân
Tháp nhu cầu Maslow

Người đi làm thường dành tới 8-12 tiếng, thậm chí là 16 tiếng tại công ty của mình mỗi ngày. Chính vì dành nhiều thời gian cho doanh nghiệp của mình như vậy, ta cũng muốn được đáp ứng từ những nhu cầu cơ bản như muốn được trả một mức lương phù hợp với năng lực, được cung cấp các bữa ăn trưa hoặc những bữa ăn nhẹ miễn phí để có thêm năng lượng khi làm việc, có nước để uống mỗi khi khát, có chỗ để nghỉ trưa. Ta cũng có mong muốn được đáp ứng nhu cầu an toàn như việc được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Rất nhiều người khi đi phỏng vấn xin việc tại một doanh nghiệp đều quan tâm đến chính sách đóng bảo hiểm ở doanh nghiệp đó. Hơn nữa, mỗi người đều có nhu cầu xã hội, muốn được thuộc về một nhóm, một cộng đồng. Chúng ta muốn được là thành viên của một nhóm, một bộ phận. Các thành viên sẽ cùng nhau xây dựng văn hóa chung cũng như cách làm việc với nhau của nhóm. Mỗi người cũng có nhu cầu được tôn trọng, bên cạnh việc được trả tiền lương cũng như được thưởng, chúng ta cũng muốn nhận được những giá trị về con người. Do đó, trong bất kỳ cuộc họp nào, ai đều nên được đưa ra ý kiến của mình, ý kiến đó cần được tôn trọng và cần được phân tích rõ ràng trước khi chấp nhận hay bác bỏ. Khi đi làm, nhu cầu thể hiện bản thân của ta là rất cao. Chúng ta đều muốn có cơ hội được phát triển, được thể hiện những thế mạnh của mình, chứng minh là mình có giá trị với doanh nghiệp.

Ở góc độ khác, tiền thưởng cũng chỉ là một phần nhỏ trong chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp. Khi đi làm, ta sẽ quan tâm đến yếu tố tài chính trực tiếp như tiền lương, thưởng, tài chính gián tiếp như bảo hiểm, tiền lương hưu, các chương trình đặc biệt khác,… Bên cạnh đó, mỗi người khi làm việc cho một doanh nghiệp sẽ đều quan tâm đến bản thân công việc (mức độ hấp dẫn của công việc, yêu cầu trách nhiệm, tính ổn định cũng như cơ hội thăng tiến) và môi trường làm việc tại doanh nghiệp (điều kiện làm việc, chính sách, lịch làm việc, đồng nghiệp, lãnh đạo,…).

Chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp

Như vậy, tiền thưởng chỉ là một phần của những nhu cầu cơ bản, nhu cầu bậc thấp của người đi làm. Đặc biệt, trong thời buổi hiện nay, ta sẽ hướng tới việc được đáp ứng những nhu cầu cao hơn. Ta không chỉ đơn thuần hướng đến việc kiếm sống mà quan trọng hơn, ta muốn được ghi nhận, được tôn trọng, được thể hiện chính mình. Lương thưởng có thể là yếu tố xếp sau việc được làm điều mình thích và mình thấy phù hợp với công việc này cũng như môi trường làm việc. Ta nên xem xét những nhu cầu khác của bản thân, khi đi làm, chúng ta cần gì và muốn nhận được gì từ doanh nghiệp, liệu chúng ta ở lại chỉ vì lương cao, thưởng nhiều hay không? Tiền thưởng cũng chỉ là 1 trong khoảng 20 yếu tố của chính sách đãi ngộ, và có thể những phần phi tài chính như bản thân công việc cũng như môi trường làm việc còn quan trọng hơn đối với người đi làm nên doanh nghiệp cần đảm bảo được việc cung cấp cho người lao động một môi trường làm việc cũng như điều kiện công việc tốt, phù hợp với nhu cầu của mỗi người. Bên cạnh đó, ta cũng sẽ ở lại lâu hơn với doanh nghiệp nếu một lộ trình thăng tiến trong công việc được cung cấp rõ ràng và phù hợp với định hướng phát triển của mình. Nếu doanh nghiệp có thể cung cấp đến cho nhân viên của mình những thứ giá trị hơn cả tài chính như môi trường làm việc tốt, công việc hấp dẫn, ổn định, giúp phát triển bản thân và có lộ trình thăng tiến rõ ràng thì yếu tố tiền thưởng chỉ góp phần nhỏ trong việc giữ nhân viên ở lại.

Theo Herzberg cùng thuyết 2 nhân tố của ông, khi đi làm, chúng ta sẽ bị tác động bởi 2 nhân tố chính: nhân tố động lực và nhân tố duy trìNhân tố động lực thường gắn liền với những nhu cầu trên đỉnh của tháp nhu cầu Maslow như sự thử thách trong công việc, cơ hội được phát triển bản thân và làm những điều to lớn. Những nhân tố như điều kiện làm việc, mức lương, thưởng sẽ là những nhân tố duy trì. Vì thế, tiền thưởng Tết chỉ nằm trong yếu tố duy trì việc nhân viên sẽ tiếp tục làm cho doanh nghiệp, chứ không tạo được động lực cho chúng ta. Nếu người đi làm có động lực làm việc, ta sẽ cảm thấy được tiếp thêm năng lượng hơn và thực sự đặt cái tâm của mình vào công việc. Chúng ta sẽ thấy gắn kết hơn với doanh nghiệp của mình nếu như mình được công nhận, công việc mình làm có ý nghĩa và đem lại giá trị cao.

Các nhân tố duy trì Các nhân tố động viên
1. Phương pháp giám sát
2. Chính sách
3. Điều kiện làm việc
4. Tiền lương, thưởng
1. Sự công nhận
2. Sự thách thức của công việc
3. Lộ trình thăng tiến
4. Công việc có ý nghĩa và đem lại giá trị cao

Doanh nghiệp có phải thưởng Tết hay không?

Theo quy định của Bộ luật lao động 2012 về tiền thưởng:

  • Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
  • Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Còn theo anh Thái Sơn, CEO của SmartOSC, lãnh đạo nên đặt một mức kỳ vọng phù hợp. Ngoài ra, đối thoại và chia sẻ thông tin, định hướng cũng là điều các lãnh đạo nên làm. Trên hết, dù là lãnh đạo doanh nghiệp hay người lao động, hãy đến với nhau bằng cái tâm trong sáng, với mong muốn hợp tác cùng tiến bộ, đóng góp cho thành tựu chung của dân tộc. Theo nhận định của anh Đào Khánh Hiệp, CEO của Mama Chocolates, thật đáng quý nếu như mỗi cá nhân thấy mình có trách nhiệm giúp cho doanh nghiệp có nhiều tiền thưởng Tết. Khi chọn một doanh nghiệp để “trao thân gửi phận”, là bạn đang cùng bắt tay hợp tác với doanh nghiệp đó trên con đường sự nghiệp. Và nói theo Sean Covey trong “7 thói quen bạn trẻ thành đạt”, mỗi cá thể trong mối quan hệ hợp tác nên có tinh thần hợp tác sao cho cả hai bên cùng có lợi (win-win).

Nhưng dù thế nào thì cũng nên nghỉ chứ nhỉ…

Mình phải nghỉ Tết Nguyên Đán ít nhất là một tuần chứ. Vì một năm mới sắp đến, chúng ta hãy cùng nhau dành những khoảng thời gian trong dịp nghỉ Tết cho gia đình, bạn bè, những người mà chúng ta yêu thương. Hãy gác lại những phiền muộn của năm cũ mà hòa mình vào dòng người đi sắm Tết, đi ra bến xe hay nhà ga để về quê, về nhà ăn Tết với bố mẹ. Quên đi những mệt mỏi và lấy lại sức lực cho một năm mới, một thập kỉ mới sắp tới. Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp và ổn thỏa hơn! Chúc các bạn có một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, gặp nhiều thành công trong cuộc sống cũng như công việc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *