Google là một trong những công cụ tìm kiếm nổi tiếng và phổ biến nhất hiện nay. Cái gì không biết là ta phải hỏi “bác” Google ngay!. Thế nhưng, mỗi khi tra cứu và tìm kiếm trên Google, mình lại cảm thấy khá mông lung, bối rối bởi khối lượng thông tin khổng lồ mà mình tiếp cận được mỗi khi cần tìm hiểu một thứ gì đó, hay có khi cố gắng mãi mà chả ra được thông tin mà mình muốn tìm kiếm. Bấy lâu nay mình vẫn cảm thấy “bế tắc” trong vấn đề này thì thật may là đã có buổi workshop với chủ đề “Self-management” được tổ chức rất công phu tại Hamsa với sự góp mặt đông đảo của toàn thể anh em Hamsa và có cả những vị khách mời đến tham gia với chúng mình nữa. Một trong những topic của workshop lần này là “Cách để tìm kiếm hiệu quả trên Google” do anh Tony Tran của nhà Hamsa trình bày. Bằng những tips bổ ích và các phiên thảo luận mở diễn ra cực kỳ sôi nổi, mình đã được mở mang đầu óc và thu thập được rất nhiều thông tin bổ ích liên quan đến kỹ năng tìm kiếm thông tin trên Google. Hãy cùng tìm hiểu thêm với mình ở bài viết này nhé!.
1. Xác định rõ thông tin tìm kiếm.
Chắc hẳn, ai ai cũng sẽ có lúc gặp vấn đề khó mà chưa tìm được hướng giải quyết, kể cả trong công việc lẫn trong cuộc sống. Vậy khi gặp các vấn đề phổ biến hay những câu hỏi khó mà mãi không nghĩ ra được cách giải quyết thì bạn sẽ làm gì?
Nếu là mình, thì mình sẽ tìm đến “chuyên gia” Google ngay. Mình đoán nhiều bạn cũng như mình đúng không? Google chính là nơi để mình có thể tìm kiếm câu trả lời hay để tháo gỡ những khúc mắc của bản thân. Thế nhưng có ai cảm thấy bị bứt rứt khó chịu khi mãi mà chả tìm ra thông tin mình muốn trên Google không? Phải làm thế nào để cải thiện kỹ năng tìm kiếm đây?
Đầu tiên, theo anh Tony chia sẻ thì chúng ta nên xác định rõ thông tin mình cần tìm. Để làm được điều đó thì ta nên phân tích vấn đề sử dụng 5W2H – công cụ làm việc hữu ích mà các Hamsa-ers đều đã khá quen thuộc và áp dụng nhiều rồi. 5W2H được viết tắt của What, Why, Where, Who, When (5W) và How much, How (2H). Nghe có vẻ mình phải đặt khá nhiều câu hỏi, nhưng thực chất chỉ cần tự hỏi bản thân rằng: “Thông tin mình muốn tìm kiếm là gì?”, “Tại sao lại tìm kiếm thông tin đó?” và “Làm thế nào để ra được thông tin mình cần?”. Tức là mình chỉ cần tập trung vào 3 câu hỏi là What, Why và How thôi.
Trước tiên, hãy đi vào câu hỏi “Thông tin mình muốn tìm kiếm là gì?” (What).
Dạo gần đây thì mình có quan tâm đến mô hình cũng như triết lý về Agile, vì nhà Hamsa mình đang trong quá trình chuyển đổi Agile mà. Mình có quan tâm đặc biệt đến cơ cấu và cách làm việc của nhóm tự chủ trong Agile (Self-organizing team) nên mình có tìm kiếm thông tin trên Google về chủ đề này. Trong quá trình tìm kiếm thì mình đã được tiếp cận với rất nhiều thông tin và mình không biết là nên tham khảo ở đâu thì phù hợp. Mình cũng không biết nên tập trung vào thông tin như thế nào vì có rất nhiều khía cạnh của nhóm tự chủ mà mình muốn tìm hiểu. Để giải đáp cho câu hỏi này của mình thì anh Tony có trình bày rằng, mình có thể tìm kiếm dưới dạng:
- Dạng định nghĩa
- Dạng số liệu
- Dạng review
- Dạng so sánh
- Dạng thông tin sản phẩm?
Nếu muốn tìm hiểu về Agile thì mình phải thu hẹp phạm vi tìm hiểu đi một chút, đó là về nhóm tự chủ trong mô hình Agile. Còn về nhóm tự chủ thì trước tiên mình có thể tìm kiếm theo dạng định nghĩa trước như là: “Nhóm tự chủ là gì?”, tiếp đến là tìm kiếm theo dạng số liệu hay review như kiểu “Lợi ích của nhóm tự chủ là gì?” (đi kèm số liệu về năng suất làm việc cũng như review của những công ty đang đi theo mô hình Agile và áp dụng nhóm tự chủ). Khi biết được điều này thì mình cũng đỡ mông lung hơn trong việc tìm kiếm thông tin trên Google rồi đó.
Theo như anh Tony thì sau khi biết được thông tin mình muốn tìm kiếm là gì rồi thì đã đến lúc cần tự hỏi rằng: “Tại sao mình lại gặp vấn đề đó?”, “Nguyên nhân của vấn đề là gì?” (Why)
Khi tìm kiếm thông tin thì nên xác định rõ tại sao mình muốn tìm hiểu vấn đề này. Nếu biết được mục tiêu thì việc mình chắt lọc được thông tin cần hay không cần cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều. Một ví dụ khác của mình như là tại sao mình lại thường xuyên gặp vấn đề trong việc tìm kiếm thông tin trên Google? Nguyên nhân là kỹ năng tìm kiếm của mình còn chưa được tốt và mình cần tìm cách để cải thiện nó.
Hiểu rõ được tại sao mình lại gặp vấn đề vấn đề rồi thì đã đến lúc mình chuyển tới câu hỏi tiếp theo: “Làm thế nào để xác định rõ thông tin mình cần tìm kiếm?” (How).
Để giải đáp câu hỏi này thì anh Tony đã đặt ra câu hỏi cho khán giả:
- Bạn tìm kiếm trong lĩnh vực nào?
- Bạn thường tìm kiếm bằng ngôn ngữ nào?
- Bạn tìm kiếm theo dạng nào?
- Từ khóa bạn tìm kiếm thường dài hay ngắn?
Anh Tony nhấn mạnh vào phần từ khóa “keyword”. Điều quan trọng nhất khi xác định rõ thông tin tìm kiếm của mình là lựa chọn được keyword phù hợp nhất. Ví dụ mình muốn tìm hiểu về Virus Corona thì từ khóa quan trọng ở đây chắc chắn là Virus Corona rồi. Mình có thể tra Google là:
- Virus Corona là gì? (What)
- Triệu chứng Corona là gì?
- Tại sao nên đề phòng Virus Corona? (Why)
- Làm thế nào để phòng tránh Corona? (How)
- Thống kê số liệu về Corona.
- So sánh Corona với Ebola.
2. Kỹ năng tìm kiếm.
Ở phần thứ 2 này thì anh Tony đã đề cập đến những tips bổ ích để có thể nâng cao kỹ năng tìm kiếm trên Google của mọi người. Các tips đó có thể kể đến:
- Sử dụng dấu ngoặc kép (“ ”) để tìm kiếm đúng từ khóa.
- Sử dụng dấu ngã (~) : Ngăn cách bằng dấu (~).
- Dùng dấu trừ (-) để loại bỏ kết quả tìm kiếm chứa từ đó.
- Dùng “or” hoặc “and” đề tìm nhiều nội dung cùng lúc.
- Sử dụng dấu sao (*) cùng cụm từ đặt trong dấu ngoặc kép.
- Tìm kiếm từ khóa trong một website với từ khóa site:tên web từ khóa.
- Tìm tệp tin bằng cách thêm filetype: và 3 ký hiệu viết tắt của tệp.
Ví dụ đối với dấu ngoặc kép (“ ”) để tìm kiếm đúng cụm từ thì cú pháp ở đây sẽ là: “nội dung cần tìm”. Chẳng hạn như “Virus Corona là gì?” hoặc “Iphone 12”.
Mình có thể dùng dấu trừ (-) để loại bỏ kết quả tìm kiếm chứa từ đó. Cú pháp ở đây sẽ là “nội dung cần tìm” –[nội dung cần loại bỏ]. Ví dụ: “điện thoại cao cấp” -Huawei.
Nếu muốn tìm theo định dạng File thì mình có thể sử dụng filetype: và 3 ký hiệu viết tắt của tệp. Cú pháp sẽ là: filetype: [định dạng File] [nội dung cần tìm]. Ví dụ: filetype:ppt Chiến lược kinh doanh.
Mình cũng có thể vào phần cài đặt của Google và chọn “Tìm kiếm nâng cao” để tìm thông tin được chính xác hơn nữa.
3. Phân tích kết quả
Khi đã có kết quả tìm kiếm thì đã đến lúc mình phải lọc và phân tích kết quả rồi. Ở đây, theo thông tin anh Tony Tran đưa ra thì mình cần:
- Lọc kết quả tìm kiếm. Đọc lướt các kết quả và đối chiếu, so sánh với mục đích đề ra.
- Bỏ qua các quảng cáo liên quan đến từ khóa.
Thường là những mục quảng cáo như trên sẽ không đem lại những thông tin hữu ích gì cho mình lắm, vì đó là những sản phẩm / dịch vụ mà một công ty nào đó muốn quảng bá thôi. Không có nhiều thông tin gì nằm ở những mục này cả. Vậy nên mình có thể bỏ qua những trang mà có chữ Quảng cáo ở đầu.
Khi nào tìm kiếm không hiệu quả?
Đến khi đọc các kết quả đến tận trang thứ 2 mà không đủ thông tin cho vấn đề cần đang giải quyết, thì tức là keyword mình chọn chưa phù hợp và đã đến lúc chọn lại từ khóa khác rồi.
Thông qua buổi trình bày của anh Tony Tran thì mình đã học hỏi thêm được nhiều điều về cách để tìm kiếm hiệu quả trên Google. Trong tương lai thì Hamsa nhà mình sẽ có nhiều buổi chia sẻ về những kiến thức cũng như kỹ năng bổ ích. Hãy cùng chờ đợi những bài viết chia sẻ từ chúng mình nhé!.