Các tiêu chí để thiết lập OKR hiệu quả là gì?

OKR là một mô hình thiết lập mục tiêu và triển khai kế hoạch nổi tiếng được sử dụng bởi các tập đoàn lớn như Google và Intel. Mặc dù OKR đang dần phổ biến hơn ở Việt Nam, nhưng dường như việc thiết lập mục tiêu OKR một cách chính xác vẫn đang là việc gây khó khăn cho nhiều người.

Để có thể thiết lập đúng mục tiêu OKR, đầu tiên bạn nên hiểu được một cách tổng quan khái niệm cơ bản về mục tiêu cũng như kết quả then chốt, những lợi ích mà OKR mang lại cũng như nguyên tắc để có thể đặt mục tiêu OKR một cách hiệu quả. Khi đã nắm được những kiến thức tổng quan, bạn nên tìm hiểu về các tiêu chí để thiết lập OKR đúng cách. Vậy những tiêu chí cần có cũng như nên có khi bắt đầu quá trình đặt ra OKR là gì? Hãy cùng tìm hiểu với chúng mình ở bài viết này nhé!

#1. Các tiêu chí khi thiết lập mục tiêu.

Những tiêu chí cần có khi đặt mục tiêu

+ Có tính định hướng

Mục tiêu là thứ chỉ cho bạn thấy được bạn cần đi tới đâu, hay đích đến của bạn là gì. Vì vậy nên mục tiêu cần cho bạn phương hướng. Khi đã có hướng đi nhất định, bạn có thể hoàn toàn tập trung và nỗ lực cố gắng vì mục tiêu đó. Những thứ không nằm trong phạm vi mà mục tiêu của bạn hướng tới, bạn có thể loại bỏ những thứ đó và ưu tiên những việc cần thiết hơn. Bởi mục tiêu mang tính định hướng nên chúng có thể không thực sự rõ ràng, mang tính vĩ mô và khá chung. Khi đó, những kết quả then chốt sẽ giúp bạn hiểu được rõ ràng hơn mục tiêu cũng như đo lường được bạn còn cách mục tiêu bao xa nữa. Bên cạnh đó, tính định hướng của mục tiêu cũng nên giúp doanh nghiệp của bạn thay đổi, rời khỏi thực trạng hiện tại và phát triển hơn nữa. Không nhất thiết phải phản ánh hình ảnh thông thường của một công ty khi đặt mục tiêu OKR. Ví dụ như mục tiêu của bạn có thể là: Đạt được sự tăng trưởng bứt phá trong doanh thu quý tới, hơn là việc đặt mục tiêu: Bán những sản phẩm của doanh nghiệp cho khách hàng.

+ Có sự liên kết:

Khi mục tiêu của bạn cho bạn một phương hướng, một tiêu chí quan trọng khác đó là sự liên kết. Nếu đã có hướng đi, bạn nên chắc chắn rằng hướng đi đó là đúng. Mục tiêu của bạn nên cung cấp giá trị về lợi nhuận, cũng như có sự liên kết với mục tiêu chung của công ty. Vì cuối cùng, mục đích của bạn khi đặt ra mục tiêu là để góp phần làm cho doanh nghiệp của mình phát triển hơn trong tương lai, cũng như phù hợp với tầm nhìn cũng như sứ mệnh của doanh nghiệp. Sự liên kết của những mục tiêu là rất quan trọng, vì nó có thể giúp tăng sự tương tác giữa nhân viên, cũng như để cho mọi người nhìn rõ bức tranh tổng thể và vĩ mô. Đây là tiêu chí quan trọng để có thể thiết lập được mục tiêu hiệu quả

+ Có sức ảnh hưởng

Sau khi mục tiêu của nhóm bạn có được sự định hướng và liên kết rõ ràng với mục tiêu chung, sức ảnh hưởng là tiêu chí tiếp theo bạn cần hiểu khi đặt mục tiêu. Mục tiêu bạn đặt ra cần mang lại sự ảnh hưởng nhất định, vì bạn chỉ nên đặt ra khoảng 3 tới 4 mục tiêu. Câu hỏi bạn nên đặt ra là: Nếu như bạn hoàn thành mục tiêu rồi, liệu bạn có làm được điều gì khác biệt hay tạo được ảnh hưởng tích cực tới công ty bạn hay không? Bên cạnh đó, trong quá trình hướng tới mục tiêu, bạn có cảm thấy bản thân mình phát triển hơn không, liệu mục tiêu đó có giúp bạn thay đổi theo hướng tốt?

+ Trong tầm ảnh hưởng

Mục tiêu đặt ra nên nằm trong tầm ảnh hưởng của bạn. Bạn nên xem xét kĩ lưỡng liệu bạn có thể kiểm soát được những việc làm khi hướng tới mục tiêu hay không? Ví dụ như bắt một người kỹ sư chịu trách nhiệm về mục tiêu tìm kiếm khách hàng tiềm năng đang là mục tiêu nằm ngoài tầm ảnh hưởng của người đó, khi nó không phải là chuyên môn của người làm kỹ sư.

+ Có thời gian cụ thể

Mọi mục tiêu nên được giới hạn trong khoảng thời gian cụ thể. Ví dụ như nếu bạn đặt mục tiêu cho quý, thời gian hoàn thành sẽ phải là cuối quý đó. Khi có khung thời gian cụ thể, bạn có thể biết được quá trình hoàn thành mục tiêu, cũng như yếu tố thời gian sẽ tạo động lực cho bạn theo kịp tiến độ và hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn.

+ Không nên bao gồm con số

Mục tiêu nên mang tính vĩ mô và thể hiện được bức tranh tổng thể. Những con số cụ thể để đo lường tiến độ nên được dành cho những kết quả then chốt.

+ Không nên có quá nhiều mục tiêu

Mặc dù có rất nhiều thứ bạn có thể làm trong một quý, cũng như trong một năm, nhưng mục tiêu OKR nên chỉ có tầm 3 tới 4 mục tiêu quan trọng nhất. Đặt nhiều mục tiêu có thể làm gián đoạn khả năng tập trung của bạn. Bạn không thể tập trung vào những gì quan trọng và có sức ảnh hưởng lớn nhất. Nhiều mục tiêu nhưng sức ảnh hưởng nhỏ sẽ không tạo được cảm hứng làm việc và hoàn thành mục tiêu

Những yếu tố nên có khi đặt mục tiêu:

+ Tạo nên sự cảm hứng

Một số người có được động lực nhờ vào những con số, nhưng có những người cần một mục tiêu tạo sự cảm hứng. Sử dụng ngôn ngữ “bay bổng” cho mục tiêu và để những con số cụ thể khi thiết lập những kết quả then chốt. Khi có được cảm hứng, bạn sẽ có động lực hoàn thành mục tiêu của mình hơn. Bạn có thể sử dụng những từ như “thành công”, “tuyệt vời”, “tốt nhất” khi đặt mục tiêu của mình hay mục tiêu cho nhóm.

+ Dễ hiểu

Mục tiêu của bạn nên dễ hiểu và dễ nhớ vì chúng xuất hiện thường xuyên khi bạn đưa ra một quyết định nào đó. Không nên sử dụng nhiều những kí hiệu khó hiệu. Đảm bảo rằng những thành viên khác trong nhóm cũng như trong công ty hiểu được mục tiêu của bạn là gì.

#2. Những tiêu chí khi thiết lập những kết quả then chốt

+ Phục vụ cho việc đạt được mục tiêu

Thông qua việc bạn đạt được những kết quả then chốt, liệu bạn có thể hoàn thành mục tiêu không? Nên nhớ một điều rằng: Mục tiêu cho bạn biết đích tới, kết quả then chốt đo được bạn còn cách vạch đích bao xa. Khi thiết lập kết quả then chốt cho một mục tiêu nhất định, bạn nên tự hỏi: Làm cách nào để biết được mình còn cách mục tiêu bao xa nữa? Kết quả then chốt nên giúp bạn tới gần với mục tiêu hơn.

+ Có tính tham vọng

Những kết quả then chốt nên phản ánh được sự tham vọng của bạn. Chúng nên làm bạn cảm thấy không được thoải mái, vì chúng nằm ngoài vùng an toàn của bạn. Tuy nhiên, chúng cũng không nên làm bạn cảm thấy mất động lực, chùn bước và nghĩ mình không thể nào đạt được. Một quy luật ở đây là bạn nên đặt những kết quả then chốt cao hơn 30-40% những gì bạn nghĩ bạn có thể làm được. Bằng cách đó, bạn có khả năng hoàn thành ít nhất 70% mục tiêu đề ra. Kết quả then chốt nên có sự tham vọng, bởi chúng có thể khuyến khích khả năng suy nghĩ sáng tạo và thử thách bạn, tạo động lực cho bạn muốn thử sức với nhiều thứ mới và phát triển bản thân hơn.

+ Đo lường được

Đây là tiêu chí cần có khi thiết lập kết quả then chốt. Bạn nên bao gồm những con số để có thể đo lường và theo được tiến độ công việc. Chính những con số của kết quả then chốt sẽ giúp bạn biết được mình còn cách mục tiêu bao xa. Khi kết quả then chốt không bao gồm những con số thì đó không phải là kết quả then chốt.

#3. Tổng kết

Khi tổng hợp lại, mục tiêu và kết quả then chốt cần có những tiêu chí sau:

Tiêu chí Mục tiêu Kết quả then chốt
Có tính định hướng
Có sự liên kết
Có sức ảnh hưởng
Có tính tham vọng
Đo lường được
Tạo được cảm hứng
Dễ hiểu
Rõ ràng
Trong phạm vi ảnh hưởng
Có thời gian rõ ràng
Số lượng 1-4 1-5

Ở Hamsa, bọn mình cũng đang được thực hành thiết lập mục tiêu OKR hàng quý, và bọn mình cũng đang làm theo những tiêu chí này để mục tiêu OKR được thiết lập một cách hiệu quả hơn. Khi mới bắt đầu làm quen, ai cũng cảm thấy khó khăn khi tự mình đặt ra mục tiêu và kết quả then chốt. Không biết những mục tiêu mình đặt ra có chính xác hay không. Từ khi bọn mình biết được tiêu chí khi làm OKR, việc đặt mục tiêu và kết quả then chốt để đo lường đã trở nên dễ dàng hơn. Tuy vẫn còn phải sửa nhiều nhưng bọn mình đều cố gắng cải thiện từng ngày và luôn nhớ tới những tiêu chí trên khi bắt tay vào làm OKR. Hệ thống mục tiêu OKR đã giúp bọn mình có động lực làm việc và biết được hướng mà mình phải đi hơn để có thể giúp công ty phát triển hơn, cũng như để phát triển chính bản thân mỗi người. Nhờ có mục tiêu OKR và kế hoạch hành động cụ thể để phục vụ cho việc hoàn thành mục tiêu, năng suất làm việc của bọn mình đã tăng lên đáng kể, và có phương hướng trong công việc hơn. Nắm rõ được những tiêu chí khi đặt mục tiêu OKR, cùng với tinh thần luôn luôn cải thiện đã giúp bọn mình ngày càng trở nên tốt hơn trong công việc. Với việc các thành viên cùng nhau đặt ra mục tiêu và cùng nhau cố gắng, bọn mình còn cảm thấy gắn kết hơn với nhau khi có mục đích cũng như mục tiêu chung. Những xung đột giữa các thành viên trong nhóm cũng được giảm đi đáng kể khi bọn mình đã có hướng đi phù hợp và có sự đồng thuận về mục tiêu OKR giữa mọi người.

Khi nắm được các tiêu chí trên, việc đặt mục tiêu cũng như kết quả then chốt đã dễ dàng hơn rồi. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, hãy để lại bình luận cho chúng mình nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *