Bạn không có nhiều kiến thức về lập trình, hay thậm chí chả biết tí tẹo gì về code, nhưng bạn lại cần làm một website? Bạn nghĩ việc tạo một website chuyên nghiệp mà không biết code thực sự là một việc không thể?
Mình cũng đã từng như bạn. Mình không phải dân lập trình, càng không biết code như thế nào cả. Khi anh Peter – CEO của Hamsa hỏi mình là em có muốn thử làm một cái website, rồi xây dựng thương hiệu Hamsa trên website đó không thì mình cũng cảm thấy khá e ngại. Thứ nhất, như mình đã nói thì mình không biết code, thứ hai là mình nghĩ xây dựng website liên quan rất nhiều đến những yếu tố về kỹ thuật, mà mình cũng chưa có kinh nghiệm bao giờ nên mình không tự tin lắm đâu. Nhưng sau khi tìm hiểu được kha khá thứ về làm website, mình biết được rằng: Có thể làm website bằng nền tảng WordPress mà không cần biết code!. Biết được điều này nên mình đã thử sức với thử thách, với mình là khó khăn, đó là việc thiết lập chính website này. Trong quá trình làm thực sự rất gian nan, do không biết code nên mình phải tìm tòi và tự mò rất nhiều. Có khi bị lỗi tùm lum luôn và mình lại ngồi sửa lại. Việc thiết lập website tốn chắc là tầm gần một tháng. Thế nhưng không gì là không thể nếu bạn quyết tâm và nỗ lực, nên cuối cùng thì mình cũng hoàn thành được việc tạo website rồi. Tất nhiên là mình vẫn phải cải tiến liên tục website để có thể đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Trong khi thiết lập website, dù có khó khăn nhưng mình cũng đã rút ra được nhiều điều bổ ích, đặc biệt là cho những bạn cũng không biết code và cần tạo website như mình. Hãy cùng tìm hiểu cách để tạo website qua WordPress mà không cần là dân lập trình nhé.
1. WordPress là gì?
WordPress là một CMS (Content Management System) được sử dụng rất phổ biến và rộng rãi không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, được phát triển trên ngôn ngữ lập trình website PHP và sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL – cũng là bộ đôi ngôn ngữ lập trình website thông dụng nhất hiện tại.
WordPress là một mã nguồn mở hỗ trợ tạo blog cá nhân, và nó được rất nhiều người sử dụng ủng hộ về tính dễ sử dụng, nhiều tính năng hữu ích. Qua thời gian, số lượng người sử dụng tăng lên, các cộng tác viên là những lập trình viên cũng tham gia đông đảo để phát triển mã nguồn WordPress có thêm những tính năng tuyệt vời. Đối với mình thì WordPress là một hệ quản trị nội dung (CMS – Content Management System) vượt trội để hỗ trợ người dùng tạo ra nhiều thể loại website khác nhau như blog, website tin tức/tạp chí, giới thiệu doanh nghiệp, bán hàng – thương mại điện tử, thậm chí với các loại website có độ phức tạp cao như đặt phòng khách sạn, thuê xe, đăng dự án bất động sản,… Hầu như mọi hình thức website với quy mô nhỏ và vừa đều có thể triển khai trên nền tảng WordPress. Như website này mình làm cũng là dạng một trang blog nho nhỏ, chuyên nói về những thông tin bổ ích về Business, IT hay những tin tức mới nhất ở Hamsa.
2. Những lợi ích khi tạo website với WordPress là gì?
2.1. Dễ sử dụng và không cần biết code.
WordPress được phát triển nhằm phục vụ đối tượng người dùng phổ thông, không có nhiều kiến thức về lập trình website nâng cao. Như mình chẳng hạn, mình không có nền tảng học code hay lập trình nhưng mình thấy rằng các thao tác trong WordPress rất đơn giản, giao diện quản trị trực quan giúp mình có thể nắm rõ cơ cấu quản lý một website WordPress trong thời gian ngắn. Về cách cài đặt lại càng dễ hơn, mình có thể tự cài đặt một website WordPress trên host (máy chủ) riêng của mình và tự vận hành nó sau vài click. Với trải nghiệm của mình khi làm website trên WordPress thì đây là một nền tảng rất dễ sử dụng đối với những đứa “mù” code và lập trình như mình.
2.2. Dễ dàng học hỏi và tìm kiếm giải pháp.
Do đây là một nền tảng CMS nổi tiếng nên đồng thời cộng đồng người sử dụng WordPress cũng rất đông đảo. Mình đã được giúp đỡ rất nhiều nhờ cộng động này. Như mình đã nói ở trên, mình phải tìm hiểu rất nhiều trong quá trình thiết lập website vì mình không có kinh nghiệm trong mảng kỹ thuật. Nên khi có bất cứ khó khăn gì, mình có thể dễ dàng tìm câu trả lời cho vấn đề mình đang gặp phải trên Google chỉ với vài từ khóa tìm kiếm. Cũng khá may mắn khi mình có một nền tảng tiếng Anh tốt nên việc tìm kiếm và hiểu thông tin đã trở nên tiện lợi hơn.
2.3. Hệ thống giao diện theme đa dạng và có hỗ trợ SEO.
Mặc dù WordPress dễ sử dụng nhưng việc tự tay thiết kế giao diện là một điều rất khó khăn và cần có kỹ năng về thiết kế cũng như lập trình. Khi mới bắt đầu, mình cũng đã rất lo về vấn đề này. Nhưng khi tìm thấy “kho tàng” WordPress theme khổng lồ, mình đã tự tin hơn. Mình có thể dễ dàng download về và cài đặt theme chỉ với vài click chuột. WordPress theme có cả miễn phí lẫn trả phí, tất cả đều tốt và dễ sử dụng. Đặc biệt, những giao diện này còn hỗ trợ SEO tốt nữa, rất phù hợp với những người làm Marketing như mình khi sử dụng website để quảng bá thương hiệu.
Bạn có thể ghé thăm những trang như ThemeForest, MyThemeShop hay thư viện theme tại WordPress.org để có thể tham khảo các giao diện của WordPress nhé.
3. Làm thế nào để tạo WordPress website mà không cần code?
Tổng quan về một website
Với một website thông thường, nó sẽ bao gồm các thành phần sau:
- Giao diện (Frontend): Là những gì chúng ta thấy nó hiển thị ra bên ngoài như bố cục, màu sắc của website. Phần này chúng ta gọi là giao diện và nó được xếp vào loại Front-End của một website. HTML và CSS là thành phần quan trọng của Front-end.
- Xử lý Server (Backend): Giống như một cỗ máy, để nó hoạt động được như những gì chúng ta thấy thì phải có một hệ thống bên trong để xử lý. Ví dụ khi vào website bạn ấn nút đăng ký, làm sao hệ thống có thể lưu trữ các thông tin của bạn lại thì sẽ do các xử lý server.
- Cơ sở dữ liệu (Database): Với các website hiện nay thì sẽ có một phần không thể thiếu gọi là cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu sẽ lưu lại dữ liệu mềm của website đó như dữ liệu bài viết, nội dung trên website, hay các thiết lập,…Còn mã nguồn chỉ lưu trữ các tập tin của mã nguồn, tập tin hình ảnh.
Như vậy để xây dựng được một website, mình có thể phải làm 3 phần này với độ phức tạp cao. Thế nhưng với sự hỗ trợ của WordPress, công việc này đã được làm sẵn và mình chỉ việc sử dụng nó thôi.
Vậy bạn cần chuẩn bị những gì khi bắt tay vào làm WordPress website?
- Một tên miền (domain): Đây chính là địa chỉ của website của bạn, ví dụ như là domain website của mình là People.Hamsa.co.
- Một tài khoản hosting: Đây là nơi lưu trữ tất cả dữ liệu của website như bài viết, hình ảnh, v.v…
- Thẻ VISA/MasterCard: Tất nhiên rồi, bạn phải cần nó để mua domain và hosting, bạn cũng có thể dùng Paypal.
Bây giờ thì mình sẽ chia sẻ cho các bạn từng bước để thiết lập WordPress website mà không cần biết code nhé.
Bước 1: Đăng ký domain.
Đầu tiên bạn cần có domain hay còn gọi là tên miền website, ví dụ như hamsa.co, People.Hamsa.co,…
Việc chọn tên miền cho website cực kỳ quan trọng, nó không chỉ ảnh hưởng tới sự thành công của thương hiệu của bạn đang muốn tạo dựng, mà nó còn ảnh hưởng lớn tới việc SEO website của bạn về sau. Ví dụ như mình muốn truyền thông thương hiệu Hamsa thì “Hamsa” là từ nên có ở tên domain website của mình.
Mình muốn có một số lưu ý cho bạn khi chọn mua domain cho website, để tránh những đáng tiếc về sau:
- Phải kiểm tra kỹ lịch sử của domain bạn đang muốn đăng ký. Nhiều trường hợp domain đó đã có người khác sử dụng trước đây. Trong trường hợp này nếu domain đó có lịch sử xấu như đã bị Google phạt, hoặc công ty có lịch sử xấu, … Nếu bạn sử dụng lại domain này thì sẽ khó khăn cho bạn khi SEO website hoặc ảnh hưởng đến thương hiệu của bạn.
- Cân nhắc tên miền quốc tế hay tên miền Việt Nam (.com, .net… hay .vn), đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến SEO website.
- Chọn tên miền ngắn, dễ gõ, dễ ghi nhớ.
Mình thì sử dụng CPanel để tạo domain. Bạn có thể xem hướng dẫn ở đây để có thể làm theo:
Bước 2: Mua hosting.
Hosting hay hosting server là máy chủ nơi bạn sẽ lưu trữ các dữ liệu của website và cả mã nguồn WordPress. Các dữ liệu như bài viết, hình ảnh, âm thanh, hay các ứng dụng đều được lưu trữ ở hosting. Như CPanel cũng chính là một loại hosting. Nếu những file nào quá nặng mà không thể upload được trực tiếp trên trang wp-admin thì mình sẽ sử dụng CPanel vì khối lượng file có thể upload lên hosting này là vô hạn.
Mỗi lần người đọc gõ truy cập website của bạn thông qua domain bạn mua ở trên, hosting server sẽ gửi dữ liệu trang website đến thiết bị và hiển thị trang web lên trình duyệt của user.
Tốc độ website phụ thuộc rất lớn vào hosting server. Đặc biệt là khi trang web của bạn có nhiều người truy cập cùng lúc. Do đó bạn cần cân nhắc khi chọn hosting server, dự đoán xem lượng truy cập có đông không.
Hiện nay các nhà cung cấp hosting cung cấp 3 dạng hosting phổ biến sau đây:
- Shared hosting: Trên một máy chủ, nhà cung cấp sẽ chia thành nhiều tài khoản hosting và bán cho nhiều người khác nhau. Nghĩa là bạn phải chia sẻ tài nguyên máy chủ như CPU, RAM,… với nhiều người khác.
- VPS hosting: Virtual Private Server là dạng máy chủ ảo. Bạn gần như sở hữu riêng máy chủ (thực ra vẫn share nhưng hạn chế), có toàn quyền cài đặt hay cấu hình mọi thứ.
- Dedicated Server: bạn sở hữu riêng máy chủ vật lý thực sự, không share với bất kỳ ai. Bạn chịu trách nhiệm quản lý và cấu hình từ A-Z.
Nếu bạn là người mới thì mình khuyên là nên chọn shared hosting để dễ quản lý và hơn nữa website của bạn cũng chưa có nhiều truy cập. Sau này khi bạn có nhiều kinh nghiệm sẽ chuyển lên dùng VPS hoặc Dedicated Server.
Bước 3: Trỏ domain về hosting.
Website của bạn chỉ chạy khi và chỉ khi domain và hosting được kết nối với nhau, để làm được việc này bạn phải làm 2 việc sau :
- Thêm domain vào host (thao tác trên giao diện quản lý hosting)
- Trỏ IP hoặc DNS từ domain về host (thao tác ở cài đặt domain)
Thực ra thì mình vẫn phải tự tìm hiểu nhiều vì phần này cũng liên quan đến kỹ thuật. Mình hay xem WordPress tutorial trên Youtube để có thể hiểu rõ và dễ thao tác hơn những kỹ thuật cần thiết. Bạn có thể tham khảo video sau để thực hành cách trỏ domain về hosting CPanel:
Bước 4: Cài đặt WordPress.
Sau khi đã làm thành công 3 bước trên thì bạn có thể bắt đầu cài đặt WordPress và bắt tay vào thiết kế website của mình được rồi.
Khi đã có tài khoản server vào CPanel rồi thì việc cài đặt WordPress cũng khá đơn giản. Bởi CPanel đã cung cấp cho bạn chức năng cài đặt WordPress.
Giờ thì click vào đó và bắt đầu tạo nên website của riêng bạn thôi.
Bước 5: Cài đặt theme cho WordPress.
Như mình đã giới thiệu thì WordPress có một “kho tàng” theme cho bạn lựa chọn, cả miễn phí lẫn trả phí. Mình khuyên là bạn không nên dùng theme mặc định của WordPress bởi chúng rất sơ sài và không có nhiều tính năng lắm. Tùy theo mục tiêu website của bạn hướng tới để chọn theme phù hợp. À còn một công cụ thú vị nữa mà mình muốn giới thiệu với bạn. Khi bạn vào một trang web khác mà thấy theme họ đang dùng khá ấn tượng và bạn muốn biết được họ đang dùng giao diện gì, bạn có thể dùng tool wpthemedetector.com nhé.
Như đối với website này thì mình đang sử dụng theme Avada. Mình đánh giá đây là một theme rất hay và có nhiều tính năng. Theme này cung cấp page builder (nơi mà bạn có thể xây dựng lên từng trang riêng biệt cho website) khá là dễ sử dụng tên là Fusion Builder. Mình có thể dễ dàng thêm, bớt văn bản, hình ảnh cũng như những chức năng như ảnh động, quote hay cả email form rồi google map nữa.
Mình khuyên bạn hãy suy nghĩ và tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định sử dụng một theme nào nhé. Nếu chọn không cẩn thận rất dễ bị virus và xảy ra lỗi đó. Đặc biệt phải chọn theme tối ưu thật tốt cho tốc độ website, bởi vì tốc độ website là một yếu tố quan trọng trong SEO, Google đã nhấn mạnh điều này.
Bước 6: Cài đặt plugins cho website
Đây có lẽ là bước cuối cùng rồi. Đã có theme “xịn xò” xong thì bạn phải cài đặt những plugins khác nhau cho website. Không thì website của bạn rất trống rỗng và chả có gì đặc biệt cả. Tùy theo mục đích khác nhau mà bạn có thể cài đặt plugins sao cho phù hợp.
Mình đã cài những plugins sau cho website của mình:
- Yoast SEO: Plugins hữu ích để phân tích về SEO cho website.
- Google Analytics: Đối với người làm Marketing như mình thì đây là plugins bắt buộc phải có phục vụ cho mục đích tracking, xem lượng traffic cũng như tìm hiểu về hành vi người dùng. Từ đó mình sẽ có những chiến lược để tối ưu hiệu quả website của mình hơn.
- Mailpoet: Tạo form email, cũng là với mục đích thu thập email của khách hàng để từ đó thực hiện chiến dịch Email Marketing.
- WP Super Cache: tạo bộ nhớ đệm giúp tăng tốc độ website.
Như vậy là bạn đã hoàn thiện việc thiết lập WordPress website mà không cần biết code rồi, thật kỳ diệu đúng không? Nếu như bạn cố gắng tìm hiểu một chút thì không gì là không thể cả. Bây giờ thì bạn có thể bắt đầu nghĩ và xây dựng nội dung cho website của mình một cách thu hút nhất rồi. Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn cảm thấy bớt khó khăn và gian nan hơn khi phải tạo một website trong khi chẳng biết tí tẹo gì về lập trình cả.